BÁNH CỐNG

Bánh cống (hay còn gọi bánh cóng) là một món ăn khá nổi tiếng có nguồn gốc từ đồng bào Khơme Nam Bộ thuộc tỉnh Sóc Trăng. Trong quá trình giao lưu ẩm thực được người Hoa và người Kinh thay đổi đôi chút. Tuy nhiên cũng có người kể rằng bánh cống do một số người Triều Châu (Trung Quốc) di cư đến Sóc Trăng và truyền lại cho đồng bào Khơme với tên gọi là bánh sền hay nói trại đi là bánh sầy. Đến nay thì tất cả người Nam Bộ đều gọi là bánh cống cho dễ nhớ do khuôn bánh có hình dạng giống như chiếc cống – một dụng cụ dùng để đong chất lỏng của các quầy tạp hóa ngày trước.

 

Bánh cống nổi tiếng khắp các tỉnh miền Tây, nhưng có lẽ nhắc đến nhiều nhất thì phải nói đến bánh cống Sóc Trăng, Cắn vào một miếng, bột bánh giòn tan lan toả trong miệng, mùi vị thơm nức, đượm béo của ít mỡ sa, ít đậu xanh và thịt nữa. Nhân bánh là hỗn hợp của thịt heo băm nhuyễn trộn với củ sắn và đậu xanh nguyên hột… Mọi thứ hoà quyện nhau tạo nên hương vị đặc trưng cho bánh cống Sóc Trăng.

Bánh không quá nhiều mỡ như những nơi khác nên bánh hơi khô, độ béo vừa phải, không béo ngậy. Đặc biệt bánh không ăn với cải xanh, mà ăn với bắp cải, rau răm, xà lách, diếp cá. Chính điều này đã tạo nên nét riêng cho bánh cống Sóc Trăng. Mà nổi tiếng nhất có lẽ phải kể đến bánh cống Xoài Cà Nã ở xã Đại Tâm- huyện Mỹ Xuyên. Bánh giòn xốp thơm ngon với màu vàng ươm đặc trưng. Nơi đây mới có được loại bánh cống trứ danh do bàn tay của những người thợ đã có trên 20 năm tay nghề. Nhiều khi tiền xe nhiều hơn nhưng người ta vẫn tới chỉ vì muốn thưởng thức bánh cống ngay trên đường làng.

Phương pháp làm bánh cống tuy đơn giản nhưng để có được cái bánh ngon lại phụ thuộc vào rất nhiều công đoạn từ khâu chọn nguyên liệu gạo, cách pha bột, sự khéo léo khi đổ khuôn để nhân bánh phân bố đều và đẹp, đến thời gian và thao tác chiên bánh để bánh vàng đều và dậy lên mùi thơm.

Nguyên liệu chính để làm bánh là bột, đậu xanh và tôm. Bột pha chế qua nhiều công đoạn. Ba phần gạo, một phần nếp, ngâm một đêm rồi xay mịn. Sau khi “bồng” bột gạo nếp trong một túi vải cho ráo nước, người ta lại pha vào bột gạo nếp này một phần ba bột mì loại ngon, thêm nước, hành lá cắt nhỏ và gia vị. Hỗn hợp bột này không được lỏng như bột đổ bánh xèo. Có người còn cho thêm vào bột vài quả trứng gà cho thêm phần thơm ngon. Đậu xanh đãi vỏ cho sạch, nấu chín mà không nát. Thịt heo băm nhuyễn, xào chín, trộn chung với đậu xanh. Sau cùng cho vào chút muối, chút bột nêm. Trên mặt bánh thêm vài con tôm đất nằm khoanh tròn trông rất hấp dẫn làm tăng thêm hương vị và màu sắc cho bánh.

Cái cống để đổ bánh ngày trước được đẽo gọt từ thân cây tre, sau này người ta làm cống bằng nhôm để bánh to hơn, sử dụng lâu hư hơn. Cống đổ bánh phải có tay cầm dài như giá múc canh bởi chiên bánh phải dùng chảo loại sâu lòng, dầu được đổ ngập bánh. dầu sôi, người ta cho ít bột vào cống, sau đó cho vào một muỗng đậu xanh và thịt làm nhân bánh. Đổ thêm trên nhân bánh một lớp bột. Sau cùng để lên đó một vài con tôm.

Nhúng cống ngập trong dầu đang sôi riu riu trong chảo. Lửa nhỏ bánh mới giòn đều từ ngoài vào trong. Khi mới bắt đầu chiên bánh nên nhúng khuôn bánh không vào chảo dầu trong vài phút cho bánh khỏi dính khuôn sau này. Nếu giữ đúng độ nóng của dầu thì bên ngoài bánh sẽ dòn và có màu vàng, ruột bánh mềm xốp, nếu lửa quá lớn bánh sẽ cháy bên ngoài mà bên trong không chín. Khi bánh chín bên ngoài sẽ tự tróc ra khỏi khuôn và nổi lên mặt dầu, dùng đũa trở bánh cho vàng đều.

Bánh cống ăn với nước mắm chua ngọt và các loại rau diếp cá, đọt xoài, cải đắng, xà lách, húng quế… Bánh mới chiên vàng vớt ra còn nóng hôi hổi, thơm phức, lấy tay bẻ miếng vừa ăn, dùng rau gói bánh chấm vào bát nước chấm để vừa nhai vừa thưởng thức mùi vị giòn thơm của bột bánh, vị ngọt béo của củ sắn, đậu xanh, vị đượm béo của dầu, vị ngọt của tôm, thịt heo và vị cay thơm của rau thơm hòa quyện với vị cay chua ngọt của nước chấm … tất cả tạo thành một hương vị đậm đà rất độc đáo và đặc trưng của bánh cống.