Văn học (tiếng Pháp : littérature) là loại hình nghệ thuật sáng tạo bằng ngôn từ. Khái niệm văn hóa bao gồm cả văn học dân gian, được sáng tác và lưu truyền bằng miệng từ đời này sang đời khác, và văn học viết, được sáng tác và lưu truyền dưới hình thức văn bản viết.
Nghệ thuật là một hình thái ý thức đặc thù thuộc thượng tầng kiến trúc, liên hệ mật thiết với các hình thái ý thức xã hội khác nhau như chính trị, triết học, đạo đức, tôn giáo,.. Về phương diện này, văn học là sự phản ảnh của đời sống xã hội thể hiện sự nhận thức và sáng tạo của con người. Bản chất xã hội lịch sử của văn học với tư cách là hình thái ý thức xã hội đặc thù được xác định bằng các khái niệm như tính hiện thực, tính nhân loại , tính giai cấp, tính tư tưởng , tính khuynh hướng , tính đảng , tính nhân dân,…
Nhưng khác với các hình thái ý thức xã hội nói trên, văn học có những đặc trưng độc đáo của bộ môn nghệ thuật thể hiện ở đối tượng nhận thức, ở nội dung và phương thức biểu đạt hình tượng, ở chất liệu sáng tạo của nó.
Văn học lấy con người làm đối tượng nhận thức trung tâm. Văn học nhận thức con người với toàn bộ tính tổng hợp, toàn vẹn, sống động trong các mối quan hệ đời sống phong phú và phức tạp của nó, trên phương diện thẩm mỹ. Trong tác phẩm văn học, nhà văn không chỉ nhận thức chân lí khách quan mà còn bộc lộ tư tưởng và tình cảm, ước mơ và khát vọng của mình đối với con người và cuộc sống. Do đó, nội dung của văn học là sự thống nhất biện chứng giữa phương diện chủ quan và phương diện khách quan.
Đối tượng và nội dung đặc thù đòi hỏi nhà văn phải có phương thức chiếm lĩnh và biểu đạt đặc thù, đó là hình tượng nghệ thuật.
Tính hình tượng là dấu hiệu đặc trưng cơ bản giúp ta phân biệt văn học với những tác phẩm cũng diễn đạt bằng lời văn, cũng dùng văn chương nhưng không phải là văn học. Hình tượng nghệ thuật làm cho văn học gần gũi với các loại hình nghệ thuật khác. Tuy nhiên, do mỗi loại hình nghệ thuật sử dụng một loại chất liệu khác nhau, cho nên hình tượng của chúng có những đặc điểm riêng.
Do lấy ngôn từ làm chất liệu, văn học chỉ xây dựng được hình tượng “phi vật thể”, có khả năng tác động vào trí tuệ, vào liên tưởng của con người. Mặt khác, chính chất liệu ngôn từ giúp văn học đạt được tính vạn năng trong việc chiếm lĩnh đời sống. Văn học chẳng những chiếm lĩnh được tất cả những gì mắt thấy tai nghe bằng cái nhìn thị giác và thính giác mà còn tái hiện được cả mùi, vị, nắm bắt được cả những điều mơ hồ, vô hình nhưng có thật trong cảm giác của con người. Văn học có thể phản ánh quá trình vận động không ngừng của đời sống trong không gian và thời gian ở bất kì giới hạn nào. Với chất liệu ngôn từ, văn học còn có khả năng tái hiện lời nói và thế giới tư tưởng của con người.
Xét về mặt lịch sử, mặc dù văn học dân gian ra đời từ rất xưa và đến nay vẫn tồn tại song song với văn học viết, như một cội nguồn nuôi dưỡng nó, nhưng chỉ dưới hình thức viết, văn học mới thực sự phát triển đa dạng thành những hình thức phức tạp, tinh vi như thơ cách luật, phú, tiểu thuyết trường thiên,..
Thuật ngữ văn học ở tiếng nước nào thoạt đầu cũng chỉ hình thức văn tự của văn học (trong tiếng La-tinh literatura – littera nghĩa là “chữ cái”, tura có nghĩa như là “sự tổng hợp” ; trong tiếng Hán văn có nghĩa là “hội họp nhiều thứ mà thành văn chương”, nghĩa là bài văn dưới dạng văn tự). Văn học, do vậy ra đời cùng lúc với sự xuất hiện của thể chế giai cấp của xã hội và chính quyền nhà nước, bởi vì lúc ấy các dân tộc mới tìm cách có được văn tự. Trong thời kì chưa có nghề in (ở Trung Quốc, trước đời Tống ; ở phương Tây, trước thế kỷ XV) văn học tồn tại dưới dạng chép tay, nên ít phổ biến, lại thường tam sao thất bản.
Thoát thai từ văn học dân gian và ra đời cùng với chữ viết để ghi chép các văn thư nhà nước, “văn học” buổi đầu ở trong tình trạng gọi là “văn sử bất phân”. Người ta nói đến văn, thơ, phú nhưng chưa có khái niệm văn học như một bộ môn nghệ thuật ngôn từ. Lúc ấy các thuật ngữ văn học, văn chương còn mang một nội dung nguyên hợp, văn học có nghĩa là “văn chương, học vấn, văn hiến” ; còn văn chương có nghĩa là “tất cả mọi tác phẩm văn nói chung, gồm thơ, phú, sử, triết, luận và các loại văn thư hành chính như chiếu, biểu, tấu, cáo, mệnh, lệnh,…”.
Dần dần đặc trưng tư duy hình tượng của văn học mới được ý thức. Ở phương Tây điều này xảy ra sớm, còn ở Trung Quốc thì vào khoảng thế kỷ IV – V người ta mới thấy văn học khác các loại văn chương khác ở tính hình tượng và sự thể hiện tưởng tượng, tình cảm. Tuy nhiên, thuật ngữ văn học dùng để chỉ riêng nghệ thuật ngôn từ thì ra đời rất muộn. Ở phương Tây, từ thế kỷ XVIII mới thịnh hành nghệ thuật văn học, còn trước đó người ta gọi là thơ ca hay nghệ thuật thi ca. Ở Trung Quốc và Việt Nam, mãi tới cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, thuật ngữ văn học mới dần dần được chuyên dùng để chỉ văn học nghệ thuật như một bộ môn nghệ thuật ngôn từ bao gồm mọi loại hình và thể loại đa dạng.
Văn học là một sản phẩm lịch sử, văn học tự nó cũng là một quá trình. Văn học chịu sự chi phối mạnh mẽ của đời sống thực tại, chịu ảnh hưởng của các hình thái ý thức xã hội khác như chính trị, đạo đức, triết học, tôn giáo, khoa học,… Những ảnh hưởng cụ thể sẽ quy định bộ mặt văn học của mỗi thời. Vì vậy, các vấn đề bản chất, đặc trưng, chức năng của văn học chỉ có thể được lí giải đúng đắn dưới ánh sáng của quan điểm lịch sử.
Bài viết liên quan
- Biển Hải Tiến
- Bản thảo
- Quỳnh Trang
- Bản xuất bản
- Tottenham Hotspur F.C.
- Đoàn Văn Hậu
- Hồ Ngọc Hà
- Hồng Nhung
- Thu mua phế liệu KCN Sóng Thần II tận nơi - 13/10/2023
- 5 Mẹo Bài Trí Không Gian Mở Cho Chung Cư Nhỏ Hẹp - 13/10/2023
- Taxi Vũng Tàu - 13/10/2023